ĐTC Phanxicô gửi thư cho TGP Cagliari nhân dịp 650 năm Đức Mẹ Bonaria
Ngọc Yến – Vatican
Đền thánh Đức Mẹ tại Cagliari, Sardinia, được dâng kính cho Nữ Vương các ngư phủ. Theo truyền thuyết, chính tại Cagliari này vào năm 1370 các ngư phủ đã vớt được một tượng Đức Mẹ được họ rất tôn kính và nhận làm bổn mạng. Khi một nhóm ngư phủ di cư sang Argentina họ đã truyền bá lòng sùng mộ này và lấy tên Bonaria đặt cho thủ đô Argentina. Đức Thánh Cha đã đến hành hương tại Bonaria vào ngày 22 tháng 9 năm 2013.
Trong thư gửi đến Đức cha Giuseppe Baturi, Tổng Giám mục Cagliari, Đức Thánh Cha nhắc lại “cuộc viếng thăm” của Đức Maria vào năm 1370 đã thay đổi bộ mặt tinh thần và đời sống dân sự của Cagliari và toàn Sardegna. Với thời gian, Đền thánh Bonaria trở thành nơi cầu nguyện, trung tâm hành động của Tin Mừng, nơi có vô vàn ân sủng và ơn hoán cải, nền tảng của lòng đạo đức Thánh Mẫu.
Đức Thánh Cha viết: “Đó là một nơi, qua bao thế kỷ vẫn còn là một ký ức về ân sủng từ trời cao: theo truyền thống Kinh Thánh, núi là một nơi đặc biệt gặp gỡ Thiên Chúa, một ốc đảo thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, như một làn gió nhẹ, Chúa nói với trái tim của những ai khiêm tốn, an ủi họ và làm cho họ trở thành sứ giả của niềm hy vọng giữa anh em”.
Đức Thánh Cha bày tỏ niềm hy vọng: “Từ nơi đây, qua sứ điệp của Đức Mẹ Bonaria, Thiên Chúa có thể nói với nhân loại cần phải tái khám phá con đường hòa bình và tình huynh đệ. Từ nơi đây, những người con trung thành của Mẹ sống chứng nhân qua sự gắn bó ngày càng bền chặt với Chúa Kitô và qua việc trao ban quảng đại cho anh chị em, đặc biệt là những người thiếu thốn hơn cả”.
Đức Thánh Cha kết thúc lá thư với lời cầu khẩn ân sủng cho đảo Sardegna và cho Giáo hội cách đặc biệt cho người bệnh và đau khổ, và cho mọi người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Đáp lại lời của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục đã chia sẻ niềm vui với toàn thể cộng đoàn, cám ơn Đức Thánh Cha vì những tâm tình người cha của Đức Thánh Cha dành cho Tổng Giáo phận trong “trong một thời điểm đau khổ và đầy khó khăn vì sự lây lan của đại dịch”. (CSR_1896_2020)